Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu quy mô công nghiệp

24/08/2024 07:53 Số lượt xem: 30

Nấm ăn và nấm dược liệu đang ngày càng trở nên quan trọng trong tiêu dùng của xã hội nói chung và đối với phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng. Nấm là sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và giá trị dược liệu cao, nuôi trồng nấm lại tận dụng được các loại phế phẩm nông - lâm - công nghiệp, do đó nấm ăn và nấm dược liệu không chỉ là sự lựa chọn phù hợp của người nông dân nhằm nâng cao thu nhập và còn góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do phát thải nông nghiệp.

Việt Nam cũng là một trong các quốc gia có nhiều điều kiện thuận lợi cho sản xuất nấm. Tuy nhiên để phát triển ngành sản xuất nấm không phải là một công việc đơn giản, thực tiễn trong gần 50 năm nghiên cứu và phát triển sản xuất nấm ở Việt Nam cho thấy chưa áp dụng khoa học công nghệ mới ngành nấm không thể phát triển. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất sẽ là nền tảng để có những điều chỉnh quan trọng mang tính chiến lược và đưa ra các khuyến cáo phù hợp cho người sản xuất hướng tới xây dựng một ngành sản xuất nấm bền vững ứng dụng công nghệ cao.

Xuất phát từ thực tiễn đó, TS. Nguyễn Duy Trình cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Di truyền Nông nghiệp thực hiện “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu quy mô công nghiệp” với mục tiêu đánh giá được thực trạng sản xuất, hạn chế và tồn tại về quy trình công nghệ và mức độ cơ giới hóa sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu (quy mô hộ gia đình, gia trại, trang trại, doanh nghiệp).

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Hoàn thiện 1 báo cáo đánh giá hiện trạng công nghệ và mức độ cơ giới hóa sản xuất giống và nấm thương phẩm một số nấm chủ lực trên cơ sở phân tích kết quả điều tra 490 phiếu với 3 nhóm đối tượng điều tra, khảo sát tại 7 tỉnh thành phố gồm Điện Biên, Ninh Bình, Hà Nam, Quảng Ninh, Lâm Đồng, An Giang, Long An đã đánh giá thực trạng sản xuất ở các số vùng sản xuất chủ lực tại Việt Nam.

Nhập khẩu, lắp đặt, vận hành và tiếp nhận đưa vào sử dụng 1 dây chuyền sản xuất nấm tự động hóa theo công nghệ của Nhật Bản với công suất từ 1,0-4 tấn nấm tươi/ngày tại Trạm thực nghiệm sản xuất nấm Văn Giang thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nấm. Đồng thời tổ chức triển khai sản xuất thực nghiệm với các mô hình sản xuất nấm trên dây chuyền thiết bị dưới sự trợ giúp của chuyên gia và nhà cung cấp thiết bị từ tháng 9/2018.

Xây dựng được 6 quy trình công nghệ sản xuất và sơ chế nấm quy mô công nghiệp cho 6 loại nấm (rơm, sò, mộc nhĩ, linh chi, đùi gà, mỡ) phù hợp với điều kiện sản xuất của Việt Nam và tăng năng suất trên 12%. Các quy trình kỹ thuật đã được các điểm phối hợp triển khai đề tài ứng dụng và mở rộng ngay trong quá trình thực hiện đã góp phần hoàn thành vượt mức sản lượng nấm đề ra.

Xây dựng được 24 mô hình sản xuất nấm quy mô công nghiệp (tương đương với 2.400 tấn nguyên liệu) tại 6 địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Lâm Đồng, Đồng Nai và An Giang. Các mô hình sản xuất áp dụng quy trình công nghệ mới giảm được chi phí sản xuất trên một tấn nguyên liệu từ 9,3-26,2%; hạ giá thành sản phẩm từ 12,5-33%, hiệu suất sử dụng lao động tăng từ 1,3-4,85% lần; năng suất nấm tăng từ 12,4-56,7%, hiệu quả kinh tế tăng từ 26,0 đến 249,83%.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20013/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: NASATI

Thống kê truy cập

Online : 2601
Đã truy cập : 150736108