Phát triển công nghệ sàng lọc trẻ mắc chứng khó đọc

02/10/2024 07:56 Số lượt xem: 5

Hội chứng khó đọc (Dyslexia) do rối loạn thần kinh bẩm sinh ảnh hưởng tới 5 -10% trẻ em trong độ tuổi đi học. Ước tính tại Việt Nam có hàng chục ngàn học sinh đang mắc hội chứng này nhưng chưa được phát hiện. Khi mắc chứng khó đọc, trẻ thường gặp khó khăn trong việc kết nối ngôn ngữ nói và chữ viết. Điều này ảnh hưởng đến cuộc sống và quá trình học tập của trẻ, làm cho trẻ khó có thể bắt kịp những trẻ phát triển bình thường khác.


Theo dõi chuyển động mắt là công nghệ đầu tiên có khả năng sàng lọc số lượng lớn, hỗ trợ các chuyên gia đưa ra chẩn đoán xác nhận, phân loại các chứng khó đọc mà trẻ mắc phải. Công nghệ cũng có thể gợi ý cho giáo viên và phụ huynh học sinh các biện pháp can thiệp sớm, hiệu quả cho nhóm trẻ đang mắc chứng này.

Trên thế giới đã có những nghiên cứu sử dụng công nghệ theo dõi chuyển động mắt để phát hiện chứng khó đọc. Tuy nhiên, do đặc trưng của từng ngôn ngữ khác nhau, các công nghệ này không thể áp dụng được cho trẻ mắc chứng khó đọc tại Việt Nam.

Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đang phát triển công nghệ theo dõi chuyển động mắt đầu tiên tại Việt Nam có khả năng hỗ trợ sàng lọc, chẩn đoán và can thiệp cho trẻ em mắc chứng khó đọc (Dyslexia).

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát triển một hệ thống có tiềm năng hỗ trợ sàng lọc, phát hiện và hỗ trợ can thiệp dành riêng cho trẻ em Việt Nam mắc chứng khó đọc. Hệ thống gồm có phần mềm và phần cứng đơn giản với một thiết bị theo dõi chuyển động mắt có sẵn trên thị trường, kết nối với laptop qua cổng USB.

Khi trẻ thực hiện các bài kiểm tra với ngữ liệu đầu vào tiếng Việt trên máy tính, thời lượng từ 10-15 phút, hệ thống sẽ theo dõi ánh nhìn của trẻ và ghi lại toàn bộ tọa độ điểm nhìn của mắt trẻ trên màn hình. Nhóm nghiên cứu đã xây dựng các thuật toán dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý dữ liệu này.

Đây là bộ thuật toán đầu tiên có khả năng liên kết các đặc trưng chuyển động mắt của trẻ (bao gồm điểm dừng của mắt, chuyển động mắt từ một điểm dừng này sang điểm dừng khác, chuyển động mắt ngược chiều văn bản...) với ngữ liệu đầu vào của bài kiểm tra (bao gồm âm đầu, vần, màu sắc... của văn bản Tiếng Việt), từ đó giúp phát hiện trẻ mắc chứng khó đọc.

Ngoài ra, chuyển động mắt của trẻ có thể được lưu trữ thành hồ sơ, để đánh giá các đặc trưng cá nhân hóa trong hành vi đọc của từng trẻ. Đây là hướng tiếp cận hoàn toàn mới, có độ chính xác cao trong hỗ trợ chẩn đoán và can thiệp chứng khó đọc tại Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu đang hướng tới xây dựng ứng dụng cho thiết bị di động mà giáo viên và phụ huynh học sinh có thể tải về điện thoại, máy tính bảng hoặc laptop của mình. Ứng dụng cho phép thực hiện những can thiệp thường xuyên, cá nhân hóa cho từng trẻ mắc chứng khó đọc ngay tại nhà và tại trường học, mà không cần trực tiếp đến các trung tâm giáo dục đặc biệt.

Các tác giả cho biết sẽ mất khoảng 1-2 năm nữa để hoàn thiện công nghệ. Công việc đòi hỏi thu thập thêm một số lượng lớn dữ liệu chuyển động mắt của trẻ, đào tạo các thuật toán trí tuệ nhân tạo song song với tinh gọn các thiết bị phần cứng.

Nguồn: NASATI

Thống kê truy cập

Online : 3708
Đã truy cập : 150743912